›› TIN HOẠT ĐỘNG

Thứ ba, ngày 04/06/2024 01:46:59 GMT+7 | lượt xem: 342

Chăm lo Văn hóa đọc cho người cao tuổi

Trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người cao tuổi giữ vai trò hết sức quan trọng; tích cực góp phần cùng các thế hệ con cháu gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Người cao tuổi hấp thụ những giá trị văn hóa dân tộc từ khi sinh ra, lớn lên trong mái ấm gia đình, sống giữa tình làng nghĩa xóm với những thuần phong mỹ tục bao đời ông cha để lại.

     Những tinh hoa văn hóa ấy in sâu trong tâm khảm và tiếp tục được tỏa sáng trong cuộc sống hằng ngày. Trong mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương cho con cháu noi theo; là người giữ kỷ cương, nếp sống trong nhà. Những năm gần đây, ngoài việc quan tâm, chăm sóc chu đáo về sức khỏe, đời sống văn hoá tinh thần, hoạt động chăm lo văn hóa đọc cho người cao tuổi cũng luôn được xã hội quan tâm đặc biệt.
     Như chúng ta đã biết trong đời sống tinh thần của mỗi người, sách đóng vai trò rất quan trọng, là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta, nguồn tri thức vô biên dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói, sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn sâu kín của mỗi con người và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên toàn thế giới. Đồng thời sách là một loại hình có khả năng lưu trữ lâu dài được giữ gìn cẩn thận trong hệ thống thư viện - Nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc, không chỉ tôn vinh sách, giá trị của văn hóa đọc, đã khẳng định vị thế xã hội và tầm quan trọng của sách - Một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam.
     Có thể thấy trong thời gian qua, người cao tuổi đang tham gia tích cực vào các hoạt động đọc cũng như lan tỏa văn hóa đọc cho toàn cộng đồng. Ở các thư viện cơ sở, có hai nhóm chính thường xuyên đến đọc sách là học sinh và người cao tuổi. Nhưng thực tế, có trường hợp xảy ra là dù rất muốn được tham gia các hoạt động thư viện, văn hóa đọc nhưng vì điều kiện sức khỏe không cho phép, các cụ không thể tự mình tìm đến các thư viện mà phụ thuộc hoàn toàn vào việc phục vụ lưu động. Điều này đòi hỏi các thư viện phải đổi mới, tăng cường phục vụ theo hướng sách đi tìm người. Hiện nay, hầu hết các thư viện đều có những hoạt động khuyến đọc, phục vụ tận nhà cho người cao tuổi. Luật Thư viện cũng đã có các điều, khoản quy định hỗ trợ phát triển văn hóa đọc cho họ. Điều 44 về quyền của người sử dụng thư viện đặc thù nêu rõ “Người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện”.
     Với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ nhiều năm nay, người cao tuổi của nước ta được chăm sóc ngày càng tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi ngày càng được cải thiện. Người cao tuổi tiếp tục đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - Xã hội, quốc phòng - An ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuổi cao, trí lực dần suy giảm, người cao tuổi gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng nói vậy không có nghĩa họ không có nhu cầu tìm hiểu thông tin qua sách, báo, tài liệu để tham khảo, nhiều người cao tuổi vẫn mong muốn được học tập suốt đời bằng các hoạt động văn hóa đọc. Thông qua kiến thức tự học, họ có thể áp dụng, cống hiến nhiều điều hữu ích cho xã hội trong khả năng cho phép. Họ đã làm cho những cuốn sách trong thư viện có ý nghĩa hơn. Họ cũng truyền tình yêu đó đến với người khác, giúp phong trào đọc được lan tỏa rộng rãi. Công sức của những người cao tuổi trong giữ gìn, phát triển văn hóa đọc rất lớn, những người làm công tác thư viện thực sự rất trân quý.
     Đọc sách có thể giúp bảo vệ não bộ của người lớn tuổi, giúp trì hoãn quá trình lão hóa của não. Đọc sách nhiều giúp người già cải thiện trí nhớ. Chính vì lợi ích như vậy nên tăng cường sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi, việc đọc sách, báo hàng ngày là điều cần thiết. Lợi ích của việc đọc sách như giúp xoa dịu, giảm căng thẳng trong suy nghĩ và cảm xúc của mỗi người; giúp ích rất nhiều trong việc hoạt động trí não chống suy giảm trí nhớ; giúp người cao tuổi mở mang kiến thức và hiểu được quy luật phát triển của bệnh tật để có thể tự chữa bệnh cho mình; giúp kích thích các dây thần kinh não bộ, giải tỏa căng thẳng, khiến người cao tuổi dễ vào giấc ngủ hơn, kết bạn với sách là bí quyết để người cao tuổi đưa mình vào giấc ngủ tốt nhất; giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đau nhức xương khớp, những kiến thức bổ ích từ sách giúp người cao tuổi quên đi những ám ảnh bệnh tật khiến họ thường lo lắng, mất ngủ và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
     Thói quen đọc sách báo hàng ngày không chỉ giúp người cao tuổi nắm bắt thông tin trong giai đoạn công nghệ số hiện nay mà còn là tấm gương sáng cho con cháu về văn hóa đọc. Bởi vì thói quen đọc sách báo mỗi ngày của họ đã tạo ra sự yêu thích sách báo cho con cháu, sách báo luôn là người bạn đồng hành từ khi còn đi học cho đến khi tuổi đã cao. Ngay cả những lúc bận rộn công việc khi còn đang công tác, họ vẫn thường xuyên dành thời gian trong ngày để đọc sách báo. Cho đến khi tuổi cao, mắt không nhìn tinh như trước nhưng họ vẫn giữ thói quen đọc sách báo mỗi ngày vì giúp họ cập nhật thông tin. Những trang sách, tờ báo được đọc mỗi ngày đã giúp những người cao tuổi không chỉ tiếp thu thêm kiến thức mà đó còn chứa đựng chiều sâu văn hóa. Đối với những người cao tuổi, sách như người bạn khi về già, giúp họ bớt cô đơn. Một số người cao tuổi thường chia sẻ với nhau, đọc sách báo hàng ngày giúp họ nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước cũng như biết được tình hình cuộc sống của người dân trong cả nước. Không những thế, việc đọc sách báo mỗi ngày cùng với các bạn già sẽ giúp cho những người cao tuổi thấy tinh thần luôn vui vẻ và lạc quan. Văn hóa đọc là món ăn tinh thần cho đời sống của họ luôn bận rộn và học được thêm những kiến thức mới, đọc sách mỗi ngày như sống lại thời tuổi trẻ và làm đẹp thêm cho tâm hồn. Để duy trì được thói quen đọc sách hàng ngày, họ sẽ tìm những thể loại sách, báo hợp với nhu cầu và sở thích của mình thì mới tạo ra sự hứng thú và đam mê. Hiện nay, văn hóa nghe nhìn đang được giới trẻ ưa thích và đón nhận nên những người cao tuổi mong muốn phong trào đọc sách báo phát triển hơn nữa để thế hệ trẻ có thể coi sách là bạn, từ đó dần tạo nên thói quen đọc sách mỗi ngày của giới trẻ.
     Ngoài việc giúp cho người cao tuổi thoải mái và yêu đời thì đọc sách báo mỗi ngày còn giúp nâng cao sức khỏe cho các cụ. Qua phân tích dữ liệu của hơn 3.600 người trên 50 tuổi ở Mỹ, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y tế cộng đồng Yale nhận thấy, nếu mỗi ngày đọc sách khoảng 30 phút có thể giúp kéo dài tuổi thọ thêm 2 năm. Nghiên cứu cho thấy, so với những người không đọc sách, người đọc khoảng 3,5 giờ mỗi tuần có nguy cơ tử vong thấp hơn 17% trong 12 năm tiếp theo, với người đọc hơn 3,5 giờ một tuần, nguy cơ này còn thấp hơn nữa, chỉ là 23%. Điều đó cho thấy, duy trì thói quen đọc sách báo mỗi ngày của người cao tuổi sẽ giúp các cụ nâng cao sức khỏe cả về tinh thần và trí não.
     Trong bối cảnh hiện nay, phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển phồn vinh của quê hương, đất nước. Và chính những người cao tuổi đã, đang góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng, mạnh mẽ trong cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, thúc đẩy hình thành xã hội học tập bền vững.



Thư viện phục vụ sách tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng

     Thực hiện văn bản số 2525/BVHTTDL-TV ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường hoạt động phục vụ người cao tuổi đọc sách trong hệ thống thư viện công cộng, ngày 20 tháng 7 năm 2020 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã có văn bản số 646/SVHTTDL chỉ đạo Thư viện tỉnh, các thư viện huyện, thành phố tăng cường hoạt động phục vụ người cao tuổi đọc sách, học tập, nghiên cứu, giải trí; góp phần giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích. Sở đã đề nghị các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng tiếp tục kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận, sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên thông tin thư viện phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí, tùy vào điều kiện thực tế của các thư viện để triển khai. Với mong muốn đưa văn hóa đọc, lan truyền tình yêu sách đến với người dân địa phương, đặc biệt là những người cao tuổi, cán bộ Thư viện Lâm Đồng đã và đang đưa sách về tổ dân phố thuộc các phường, các xã, nơi có nhiều người cao tuổi sinh sống đồng thời có những chế độ ưu đãi với họ như miễn phí làm thẻ, trưng bày tài liệu về các chủ đề  liên quan đến người cao tuổi, đa dạng hóa các hình thức phục vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người cao tuổi, tổ chức trưng bày, giới thiệu tài liệu nhân Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (6.6); Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1.10) và các vấn đề người cao tuổi quan tâm, phục vụ tại nhà cho người cao tuổi, xây dựng tủ sách cộng đồng, phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về việc triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc dự án 6, nhằm cung cấp nguồn tài nguyên thông tin cho bạn đọc là những người cao tuổi giúp họ sống vui, sống khỏe, đồng thời được chia sẻ những cuốn sách hay, ý nghĩa, tích cực, góp phần lan tỏa và truyền cảm hứng đọc sách cho thế hệ trẻ, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát triển, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa.
     Hầu hết người cao tuổi khỏe mạnh vẫn làm nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội. Bởi vậy cần lắng nghe và tôn trọng người cao tuổi vì họ đã trải nghiệm cuộc đời với bao thăng trầm cùng những bài học quý giá; lưu giữ được những giá trị văn hóa dân tộc tỏa sáng với thời gian. Thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần góp phần động viên người cao tuổi thêm phấn khởi, tự tin, phát huy tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, cùng với phương châm “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”, tạo môi trường thuận lợi để người cao tuổi đóng góp tích cực cho gia đình, địa phương và xã hội.
     Chăm lo văn hóa đọc cho người cao tuổi nhằm khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người đồng thời tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Có thể thấy, công nghệ dù phát triển đến mấy thì cái hồn của văn hóa đọc truyền thống vẫn không thay đổi giá trị, hay nói cách khác, cuộc sống càng hiện đại, người ta càng biết nâng niu và trân quý cảm xúc - Thứ mà công nghệ không bao giờ có thể chạm tới.

Nguyễn Thị Hoa



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 6448478 - Online: 916