Thứ hai, ngày 05/05/2025 04:01:13 GMT+7 | lượt xem: 70 Giới thiệu sách Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) - Tác phẩm “Hồ Chí Minh tên người sống mãi” Ngày 19 tháng 5 là ngày ghi dấu nhiều sự kiện đặc biệt đối với lịch sử đất nước và dân tộc. Đó là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả khi hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trái tim của cả nước với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính. Người đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Ngày sinh nhật của Bác Hồ cũng là một dịp để nhìn vào tương lai và nhắc nhở về những giá trị mà Người đã truyền cho chúng ta. Chúng ta hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, giàu mạnh và văn minh, và theo đuổi sự phát triển bền vững dưới tư tưởng của Bác. Từng câu chúc mừng sinh nhật Bác Hồ trở thành một thông điệp đầy ý nghĩa, truyền cảm hứng và động viên chúng ta tiếp tục theo đuổi tương lai tươi sáng và xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Dù bao nhiêu thời gian trôi qua, tình yêu và lòng biết ơn của nhân dân dành cho Bác Hồ không hề phai nhạt, và ngày 19 tháng 5 vẫn mãi là một ngày trọng đại trong lịch sử và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, về tinh thần đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không chỉ thế, từ những ngày còn hoạt động gian khổ, cho đến khi trở thành Chủ tịch nước Người luôn quan tâm, chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, từ các cụ già, phụ nữ, em nhỏ đến các chiến sĩ ngoài biên cương, hải đảo..., Nhân dịp Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Thư viện Lâm Đồng xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tác phẩm “Hồ Chí Minh tên Người sống mãi”. Sách do Khánh Linh tuyển chọn với độ dày 258 trang, in trên khổ giấy 13,5x20,5cm được nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2017. Cuốn sách đã trở nên thân thiết với các bạn đọc ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là các cháu thiếu niên.

Là một trong 10 cuốn trong bộ sách Tủ sách Rèn luyện nhân cách sống gồm những mẩu truyện ngắn kể về Người như: Những năm tháng hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài; Bác Hồ với chiến sĩ; Bác Hồ với thiếu nhi; Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè Quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một người con tận trung với Tổ quốc. Tất cả những giá trị đó đã đọng lại trong tác phẩm “Hồ Chí Minh tên Người sống mãi”.
Lật giở từng trang sách ta thấy được những năm tháng hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài là chủ đề phần một, với những bài viết từ 18 sự kiện của nhiều tác giả. Mở đầu tác phẩm là sự quyết tâm sang phương Tây, tìm đường lối độc lập và tự do cho quê hương, đồng thời giải mã bản chất của thực dân Pháp tại sao hô to khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” nhưng hành động trái ngược ở Việt Nam; một nước văn minh, tiến bộ, nhưng lại đẻ ra chế độ tàn bạo đến như vậy. Vì thế, ngày 05/6/1911, chàng trai Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba đã lên tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin) phụ làm những công việc nặng nhọc trong bếp để đến trời Tây. Những trải nghiệm sau khoảng thời gian bôn ba ở các châu lục, cuối năm 1917, anh Ba đã trở lại Pháp và tham gia nhiều hoạt động chính trị đòi quyền lợi cho Đông Dương, tiêu biểu là gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versailles (Vecxay) với tên Nguyễn Ái Quốc, ngày 18/6/1919. Từ thời điểm này, cái tên Nguyễn Ái Quốc luôn bị mật thám Pháp theo dõi chặt chẽ, thậm chí được mời đối chất trực tiếp với Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp Albert Saraut (Anbe Xarô), nhưng Nguyễn Ái Quốc rất tự tin để nói lên tiếng nói của một dân tộc bị thuộc địa với ngài Bộ trưởng rằng: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.
Hành trình 30 năm (1911 - 1941) bôn ba khắp các châu lục, tiếp xúc nhiều hệ tư tưởng và học thuyết tiến bộ để tìm ra đường lối giải phóng dân tộc và chủ nghĩa Mác - Lênin là cái tất yếu mà Bác đang cần. Để rồi, ngày 28/01/1941, tại cột mốc 108, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, vùng đất địa đầu của Tổ quốc ghi dấu chân Bác sau bao năm bôn ba quay về trong niềm xúc cảm dâng trào:“Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt; biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi; kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất; lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”. Dưới sự dẫn dắt của Bác lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động cách mạng. Từ đó, dân tộc Việt Nam đã vượt qua bao gian lao thử thách, chiến thắng vẻ vang trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quê hương tự do, ấm no, hạnh phúc vững bền.
Bác Hồ với chiến sĩ là chủ đề phần hai giới thiệu đến bạn đọc hình ảnh của một Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba, một người chiến sĩ Cộng sản kiên trung mà Người còn là vị cha già của dân tộc. Bởi vì: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế; ôm cả non sông mọi kiếp người”, tình yêu thương của Bác giành cho mọi tầng lớp nhân dân, cho tất cả mọi người đặc biệt là giành cho các chiến sĩ thật bao la, vô bờ bến. Với hơn 40 trang sách là những câu chuyện xúc động kể về tình cảm và tấm lòng của Bác đối với chiến sĩ. Chính tình yêu thương bao la, sự quan tâm của Bác đã động viên chiến sĩ bộ đội vượt qua khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu lập nên một Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu, viết lên trang sử vàng đại thắng mùa Xuân 1975 vang dội, mốc son chói lọi cho dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam. Mười lăm câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện khác đã vẽ lên hình ảnh người Cha già kính yêu có trái tim nhân hậu mà mỗi lần nhắc lại, chúng ta đều xúc động, rưng rưng. Và hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những câu chuyện xúc động kể về tấm lòng của Bác với chiến sĩ vẫn như mới hôm qua, vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn cho hôm nay và mãi mãi về sau.
Bác Hồ với thiếu nhi là chủ đề phần Ba của tác phẩm, bạn đọc sẽ hiểu trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho “Mọi kiếp người”, có một tình yêu bao la mà Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Đúng vậy, Bác Hồ luôn dành một tình cảm đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng, thế hệ măng non của đất nước. Và tình yêu thương đó đã được thể hiện rõ qua 15 câu chuyện kể; chúng ta sẽ thấy Bác Hồ dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ măng non dù luôn bận bịu với việc nước. Hình ảnh Bác gần gũi bên các cháu giản dị mà đầm ấm yêu thương đến lạ thường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè quốc tế là chủ đề phần bốn sẽ đề cập về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cha già của dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của những người con đất Việt, Người không chỉ sống mãi trong hàng triệu trái tim của dân tộc Việt Nam mà tên Người, cuộc đời của Người còn tỏa sáng trên khắp năm châu, rạng ngời trong mắt bạn bè quốc tế. Với 16 mẩu chuyện được các chính trị gia, cao tăng, bác sĩ, nhà khoa học, nhà du hành vũ trụ, nhà văn, nhà báo, là bạn bè của Bác và nhân dân Việt Nam kể lại, tất cả là những câu chuyện thể hiện sự khâm phục về tài trí, đức độ và tầm nhìn vượt thời đại của bậc vĩ nhân mà họ đã giành cho Bác trong thời gian tiếp xúc.
Tác phẩm “Hồ Chí Minh tên Người sống mãi” mang lại cho bạn đọc cái nhìn khá toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từng trang viết, từng mẩu chuyện bình thường nhưng lại chất chứa những điều lớn lao về cuộc sống giản dị và tấm gương quý báu về nhân cách của Bác. Tất cả để lại cho thế hệ hôm nay những bài học sâu sắc, nhân văn về tình người, lòng yêu thương với mọi lớp nhân sinh của Bác, về tinh thần đấu tranh kiên cường vì chính nghĩa, bình đẳng, tự do, bác ái của người chiến sĩ cộng sản.
Tuy Bác đã đi xa, nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm đó là Bác Hồ không mất, Bác vẫn đời đời sống mãi cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp nơi. Vì vậy, vẫn như có Bác Hồ, hàng năm tới dịp tháng năm là toàn thể nhân dân ở khắp các miền quê Việt Nam và cả bạn bè năm châu vẫn nô nức tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Người, sẽ là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, gương mẫu, học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam; Anh hùng giải phóng dân tộc; Danh nhân văn hóa thế giới, các bạn hãy dành một chút thời gian trong quỹ thời gian ngắn ngủi của mình để đọc cuốn sách này như một lời tri ân sâu sắc và biết ơn vô hạn đối với công lao vĩ đại của Bác kính yêu, mãi mãi đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã chọn.
Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện. Trân trọng kính mời độc giả quan tâm đón đọc!
Nguyễn Thị Hoa
Tin khác
|
|