›› Lâm Đồng qua báo chí

Thứ tư, ngày 17/09/2014 10:52:20 GMT+7 | lượt xem: 4362

Vãn hồi trật tự

TT - Đến năm 1937 thì hằng ngày đã có một chuyến tàu lửa đi về giữa Đà Lạt và Sài Gòn. Từ năm 1932, con đường mới vượt đèo Blao đã nối liền Sài Gòn - Đà Lạt bằng sáu giờ đi ôtô.

Biệt thự nghỉ mát của thống đốc Nam kỳ Jean - Félix Krautheimer ở Đà Lạt đầu những năm 1930.

Biệt thự này hiện là trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng - Ảnh tư liệu

Dân số Đà Lạt từ khoảng 1.500 người vào năm 1923 đã tăng lên 13.000 năm 1940 và rồi 20.000 năm 1942. Số lượng du khách cũng tăng theo và từ năm 1940, lượng du khách đến Đà Lạt hằng năm đã xấp xỉ bằng tổng dân số địa phương.

Đà Lạt đã trở thành một khao khát thời thượng chưa từng thấy. Ai cũng muốn có Đà Lạt trong cuộc đời mình - nếu không thể xây biệt thự thì cũng phải một lần đến chốn “thiên đường” đó.

Phục hồi giấc mơ thủ phủ

 

Ý tưởng táo bạo

Lý do chính khiến Ernest Hébrard hay Louis-Georges Pineau nhận lời sang thuộc địa làm việc chính là khát vọng kiến tạo: chỉ ở những vùng đất còn hoang sơ hay kém phát triển họ mới có cơ hội thể hiện những ý tưởng táo bạo nhất và biến nó thành hiện thực. Paris không còn đất trống cho những quy hoạch vĩ đại!

Trước khi theo ngành quy hoạch - kiến trúc, Pineau từng được đào tạo khoa học chính trị ở Ecole Libre des Sciences Politiques (là Đại học Sciences Po ở Paris lừng danh ngày nay). “Giấc mơ Đà Lạt” của Pineau thực tế còn lớn hơn cả Hébrard. Nếu Hébrard chỉ dừng ở một “thủ phủ mùa hè” cho cả Đông Dương thì Pineau trong bài viết quan trọng gây nhiều tranh cãi “Dalat, capitale administrative de l’Indochine” đăng trên L’Avenir du Tonkin ngày 25-5-1937 đã đề xuất Đà Lạt như “thủ đô của Liên bang Đông Dương”. Hai năm sau, trong tạp chí Vie Urbaine số 49 năm 1939, ông viết bài “Le plan d’aménagement et d’extension de Dalat” và đề cập một vấn đề khác mà cả toàn quyền Jean Decoux lúc đó chưa chắc đã dám nghĩ tới: Đà Lạt có thể trở thành “một thủ đô còn an toàn và có tính trung tâm” hơn cả Hà Nội!

 

Thế chiến thứ 2 không chỉ một lần nữa chặn đường hồi hương của quan chức Pháp và Âu kiều ở Đông Dương mà còn đe dọa cả sự tồn vong của chính phủ bảo hộ khi bóng dáng quân đội Nhật đã xuất hiện ở vùng đất này từ năm 1940. Toàn quyền Jean Decoux đã thường xuyên đến nghỉ hè ở dinh thự riêng tại Đà Lạt. Những chuyến lưu trú và làm việc của toàn quyền càng lúc càng kéo dài hơn theo bước tiến của quân Nhật ở Đông Dương. Rốt cuộc, mô hình vĩ đại của Hébrard 20 năm trước giờ mới có cơ hội thực thi bằng quy hoạch của Jacques Lagisquet. Nhà quy hoạch cuối cùng của chính phủ bảo hộ phải thực hiện tham vọng của Decoux: biến thành phố núi này thành thủ phủ mùa hè thực tế, tách rời hẳn phạm vi quyền lực bản xứ lâu nay và ảnh hưởng của quân đội Nhật bây giờ.

Ngoài yếu tố chính trị, việc chỉnh trang dung nhan Đà Lạt là cần thiết vì sự phát triển biệt thự ào ạt đang phá vỡ những quy hoạch vốn có. Tờ Indochine Hebdomadaire Illustré trong một bài báo tháng 8-1943 đã ta thán rằng thành phố trên núi của Đông Dương “vẫn chưa tìm thấy bản sắc riêng biệt”. Bài báo cho biết một biệt thự mới luôn khêu gợi lòng ghen tị của các hàng xóm và họ liền “sao chép kiểu dáng không e ngại chuyện ăn cắp ý tưởng”. Xu hướng này cứ tiếp diễn cho đến khi một kiểu dáng mới xuất hiện và lại bị bắt chước theo ồ ạt, kết quả là một mặt bằng kiến trúc gai mắt. Bài báo hi vọng đồ án quy hoạch 1942 của Lagisquet đang thực hiện rồi sẽ kết liễu được cái vòng luẩn quẩn này và sẽ cho Đà Lạt “một diện mạo hài hòa”.

Đà Lạt phải định hình là một thành phố Pháp. Lúc này cần phải quay lại cách quản lý quy hoạch tập trung chặt chẽ của Ernest Hébrard. Ý tưởng thiết kế biệt thự đồng dạng hàng loạt của nhà quy hoạch đồ án 1923 bị phản đối gay gắt thời trước bây giờ cũng được Lagisquet áp dụng. Đích thân Lagisquet giám sát xây dựng nguyên một khu quy hoạch mới sau đó được mang tên Cité-Jardin Amiral Decoux (khu vực Đại học Yersin ngày nay). Tờ gấp quảng cáo Cité-Jardin giải thích: “[Mục đích của chúng tôi] là cho phụ nữ và trẻ em, người đau ốm, người khổ sở vì khí hậu khắc nghiệt của Đông Dương được tiếp thêm sinh lực, sức khỏe, thể chất trong khung cảnh như tranh của thành phố trên núi xinh đẹp của liên bang chúng ta”.

Khu cư xá quy hoạch này dành cho các đối tượng Pháp kiều lâu nay không được tận hưởng Đà Lạt vì không có khả năng ở khách sạn hay sắm biệt thự riêng. Khoảng 30 biệt thự ở cư xá Cité-Jardin đã sẵn sàng cho thuê và cuối năm 1942 thêm 20 căn được bổ sung vào năm tiếp theo. Thêm 50 biệt thự nữa được rao bán với giá vừa phải, người mua có thể chọn một trong sáu kiểu dáng khác nhau. Kiểu nào cũng mang dáng dấp những biệt thự nhỏ vùng núi Alps, đơn giản nhưng thanh nhã, quy hoạch hoàn hảo và trang bị sẵn đồ đạc đơn giản. Nhiều cơ quan của chính phủ Đông Dương từ Hà Nội dần chuyển vào Đà Lạt làm việc và đến năm 1944 thì một Đà Lạt “thủ phủ mùa hè” trong giấc mơ Hébrard đã thành hình.

Đường sắt đã hoạt động từ năm 1932, nhưng công trình nhà ga Đà Lạt mãi đến năm 1935 mới xây dựng xong

Ảnh tư liệu

Số phận... con nuôi

Suốt 20 năm từ thời Jean O’Neill xây dựng cho tới thời triển khai quy hoạch của Louis-Georges Pineau, không ít dân Đà Lạt bản xứ lâm vào tình trạng liên tục bị giải tỏa di dời theo quy hoạch. Trong những năm 1920, chỉ riêng việc khu chợ và “khu An Nam” lân cận ở vị trí ấp Ánh Sáng ngày nay bị phá đi xây lại, rồi sau cùng dời lên vị trí rạp hát Hòa Bình bây giờ đã khiến nhiều người lao đao. Thiểu số trung lưu và tư sản mới nổi người Việt ở Đà Lạt luôn bất mãn vì không được bình đẳng thụ hưởng chất lượng sống như người Âu.

Đến thời Lagisquet thì những vấn đề của dân Đà Lạt bản xứ đã tạm ổn định. Năm 1942, Lagisquet còn quy hoạch cả một “làng An Nam” ở xa hơn nữa về phía tây bắc như một “làng kiểu mẫu” ở khu Đa Thành (phường 7 hiện nay). Chỉ sau một năm, làng Đa Thành đã thu hút được 2.000 cư dân Việt. Những vấn đề dân cư bản xứ giờ đã giải quyết xong. Nhưng chính người Pháp cũng không ngờ rằng đứa con đẻ xinh xắn của họ chỉ mười năm sau lại vĩnh viễn trở thành “con nuôi” của người Việt và đồ án quy hoạch 1942 của Lagisquet được chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện tiếp tục.

Hình thành trong hai đại chiến thế giới xen giữa là một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mọi quyết định từ Paris đều chi phối cục diện Đông Dương và ảnh hưởng đến chính sách về Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt luôn là đứa con cưng sinh ra từ óc lãng mạn điên rồ và tham vọng sắt đá của người Pháp. Trong 40 năm đầu thế kỷ 20, Đông Dương đã 34 lần thay đổi toàn quyền - từ Paul Doumer tới Jean Decoux - với các chính kiến khác nhau, nhưng việc quy hoạch xây dựng Đà Lạt vẫn luôn được duy trì và phát triển. Cùng thời gian đó, 10 đời thị trưởng - từ Paul Champoudry tới André Berjoan - đã tiếp nối nhau ở Đà Lạt thực hiện các quy hoạch, bất kể thời cuộc thăng trầm hay ngân sách biến động.

Mặc những mâu thuẫn giữa viễn kiến quy hoạch và hiện trạng đô thị, mặc những xung đột lợi ích, mặc những tác động dư luận, cả người khởi xướng và các toàn quyền, các nhà quy hoạch lẫn người quản lý Đà Lạt đều chung một giấc mơ hầu như không tưởng: kiến tạo bằng được thành phố này. Ý chí của người Pháp mới đã biến nó thành hiện thực! Và là một hiện thực ngoại lệ mà sau 100 năm thế giới còn phải ngỡ ngàng tìm hiểu.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Tương lai tưởng tượng
Kỳ 2: Đô thị hoang vu
Kỳ 3: Người Việt lên tiếng
Kỳ 4: “Bùng nổ” biệt thự
Kỳ 5: Đà Lạt - Đứa con của tham vọng - Kỳ 5


TRẦN ĐỨC TÀI

Nguồn: http://tuoitre.vn/



 

Tin khác

SÁCH NÓI

BẢN QUYỀN THUỘC THƯ VIỆN LÂM ĐỒNG

Địa chỉ: 14 Trần Phú - Phường 3 - Thành Phố Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng.

Điện thoại : (+84) 2633 822 162 Email: thuvientinhlamdong@gmail.com

Phát triển bởi Phòng Tin Học - Thư viện Lâm Đồng -  Lượt truy cập: 5816567 - Online: 17